Giống như phiên bản M2 ra mắt năm ngoái, mọi sự chú ý năm nay có lẽ cũng sẽ đều được đổ dồn về Macbook Air M3 phiên bản 15 inch khi chiếc máy này sở hữu màn hình lớn hơn được ra mắt đồng thời cùng vi xử lý M3 mới được coi là sự cải tiến nổi bật nhất so với thế hệ tiền nhiệm.
So với thời điểm ra mắt, MacBook Air M3 đã thay chỗ người đi trước chỉ chưa tới 1 năm, điều này cũng khiến người dùng đắn đo suy nghĩ liệu có nhất thiết phải lên đời, và hơn hết là nó có những điểm gì mới hơn so với kẻ tiền nhiệm?
Vi xử lý Apple M3 so với M2
Điểm qua một chút về thông số thì Apple M3 là vi xử lý được sản xuất trên tiến trình 3nm sẽ bao gồm 8 nhân CPU, trong đó có 4 nhân hiệu suất cao và 4 nhân tiết kiệm điện giúp cải thiện hiệu suất nhưng lại tiêu thụ ít năng lượng hơn so với thế hệ cũ. Bên cạnh đó, hiệu suất đồ họa của Apple M3 cũng sẽ được cải tiến nhờ GPU 10 nhân sử dụng kiến trúc mới trang bị công nghệ Dynamic Caching – Bộ nhớ đệm động có khả năng phân bổ việc sử dụng bộ nhớ cục bộ trong phần cứng theo thời gian thực, đảm bảo chỉ sử dụng lượng bộ nhớ chính xác cần thiết cho mỗi tác vụ.
Ngoài ra, khả năng xử lý các tác vụ AI của chip M3 cũng được cải thiện hơn thế hệ trước khi con chip này được Apple công bố là sở hữu Neural Engine nhanh hơn 60% so với Neural Engine trên dòng chip M1. Vậy những công bố trên của Apple có phải là sự thực, hãy cùng theo dõi qua những bài đánh giá hiệu năng dưới đây.
Bài đánh giá Geekbench cho số điểm đa nhân của chip M3 mạnh hơn gần 20% so với chip M2. Tương tự như vậy, điểm đơn nhân M3 cũng mạnh hơn khoảng 11%.
Với Cinebench R23, M3 vẫn ghi điểm ấn tượng với sức mạnh lớn hơn 20% so với người tiền nhiệm.
Thông qua các bài đánh giá trên có thể thấy, rõ ràng Apple M3 cho hiệu năng xử lý cao hơn gần 20% so với người tiền nhiệm M2 nhất là bài đánh giá đa nhân, chứng tỏ đây là một lựa chọn đáng giá nếu người dùng cần tìm một mẫu máy không chỉ gọn nhẹ cho văn phòng mà còn đáp ứng khả năng xử lý đa nhiệm mượt mà dành cho dân sáng tạo nội dung.
Điểm số GPU của các bài thử OpenCL và Metal Score của chip M3 đều nhỉnh hơn M2.
Đặc biệt trong bài test Blender Benchmark cho thấy hiệu năng render 3D của M3 hơn hẳn M2, cụ thể mẫu thử render monster trên M3 được 81.7 samples/minute, trong khi M2 có 69.4 samples/minute.
Nhìn vào hiệu năng trên, có thể thấy Apple M Silicon đang ngày càng có những nâng cấp đáng ghi nhận và phù hợp với nhiều đối tượng người dùng hơn so với trước đây, vốn phải phụ thuộc thêm card đồ họa rời.
Nhờ GPU mạnh mẽ hơn nên trong bài test cùng một khung cảnh của tựa game Stray, chip M3 ghi nhận 55.81 fps so với 49.65 fps.
Những thứ không thể tìm thấy trên Macbook Air M2
Như đã nói ở trên, ngoài con chip mới thì ngoại hình của Macbook Air M3 chắc có gì khác so với phiên bản tiền nhiệm. Tuy nhiên, mẫu máy mới của nhà Apple lại sở hữu những điểm cộng mà Macbook Air M2 không thể có được, và điều này sẽ là điểm nhấn giúp người dùng tìm được đâu sẽ là sản phẩm thích hợp với nhu cầu thực tế của mình.
Macbook Air M3 và người tiền nhiệm Macbook Air M2
Đầu tiên cần phải kể đến khả năng xuất ra 2 màn hình trong đó một màn hình chính với độ phân giải có thể lên tới 6K ở tần số 60 Hz (hoặc 4K ở tần số 144 Hz) và màn hình phụ có độ phân giải 5K ở tần số 60 Hz (hoặc 4K ở tần số 100 Hz). Với tính năng này, người dùng sẽ có được một không gian làm việc thoải mái hơn, nhất là với các tác vụ đa nhiệm, hay cần mở nhiều cửa sổ để theo dõi liên tục.
Chỉ có một lưu ý nhỏ chính là việc khi xuất ra màn hình thứ 2 thì bản thân màn hình trên chiếc Macbook Air M3 sẽ tắt. Nhưng đây cũng không phải điểm trừ gì lớn khi người dùng đã được bù đắp bằng một màn hình ngoài có kích thước lớn hơn, và thoải mái hơn khi sử dụng. Trong khi đó trên thế hệ cũ, người dùng chỉ có thể xuất ra và sử dụng trên một màn hình ngoài, điều đó làm hạn chế đáng kể khả năng mở rộng không gian làm việc.
Ban đầu chúng tôi nghĩ Macbook Air M3 Midnight sẽ có ngả về sắc đen nhưng khi cầm máy mới nhận Midnight ở đây thiên về sắc xanh thẳm của bầu trời đêm. Một ý tưởng đặt tên khá thú vị.
Thêm vào đó, phiên bản màu Midnight hay Tiếng Việt còn có tên là Đêm Xanh Thẳm của Macbook Air M3 sẽ được trang bị lớp phủ anode hoá giống như trên những chiếc MacBook Pro M3 Space Black. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng bám dấu vân tay, giúp chiếc máy giữ được vẻ đẹp, sự sang trọng trong quá trình sử dụng và đặc biệt hợp với những người kỹ tính.
Chưa hết, Macbook Air M3 được trang bị công nghệ Wi-Fi 6E mà theo Apple sẽ giảm nhiễu tín hiệu với thiết bị và bộ định tuyến tương thích đồng thời cho tốc độ tải xuống không dây “nhanh gấp đôi” so với các model trước đây, vốn chỉ có Wi-Fi 6. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, ứng dụng của Wi-Fi 6 vẫn chưa thực sự rõ ràng tuy nhiên nếu nhìn về tương lai thì đây lại là bước đón đầu công nghệ, giúp người dùng hoàn toàn thoải mái đáp ứng cho các nhu cầu cao hơn về sau.
Ngoài ra, mẫu máy mới của Apple còn được trang bị thêm công nghệ Voice Isolation và Wide Spectrum trên Micro, giúp giọng nói thu được trong trẻo rõ ràng hơn, tăng cường khả năng đàm thoại cũng như ghi âm. Đây có thể nói là một nâng cấp khá thú vị đáp ứng nhu cầu làm việc, họp online đang rất phổ biến hiện nay.
Có thể thấy, mặc dù không có những thay đổi đáng kể trong thiết kế ngoại hình nhưng Macbook Air M3 vẫn sở hữu nhưng nâng cấp ấn tượng từ con chip M3 mạnh mẽ bên trong, cùng với đó là hàng loạt tính năng tuy nhỏ nhưng cũng độc đáo và khác biệt so với phiên bản cũ. Đây chính là điểm mấu chốt giúp người dùng có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một mẫu máy phù hợp với nhu cầu, nhất là với nhưng ai đang mong muốn một không gian làm việc rộng lớn nhưng vẫn đảm bảo cân bằng với tính di động và sức mạnh xử lý.